Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Thánh Phêrô - Phaolô và Tuần 13 Thường Niên

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa

Để cùng với Giáo Hội cử hành Lễ trọng kính 2 Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô vào Chúa Nhật 29/6/2025 và Tuần XIII Thường Niên,

trước hết chúng ta hãy đọc bài chia sẻ của ĐTGM Ngô Quang Kiệt cho Lễ trọng kính 2 Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô,

sau đó chúng ta theo dõi PVLC cả tuần  XIII Thường niên ở những cái links đính kèm.

Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô Và Phaolô

HAI CON NGƯỜI MỘT CON ĐƯỜNG

 

I.TẤM BÁNH LỜI CHÚA

- Cv 12,1-11

- 2Tm 4,6-8.16b.17-18

Mt 16, 13-19

II.TẤM BÁNH CHIA SẺ

Nhìn vào đời sống tự nhiên, ta thấy hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô có nhiều dị biệt.

Thánh Phêrô có thân thể to lớn vạm vỡ trong khi Thánh Phaolô là một người bé nhỏ, gân guốc. Thánh Phêrô là một ngư phủ quen làm việc trên biển. Thánh Phaolô là một nhà trí thức quen làm việc với sách vở. Thánh Phêrô thuộc tầng lớp bình dân. Thánh Phaolô thuộc tầng lớp biệt phái. Thánh Phêrô là một trong những Tông đồ đầu tiên trong khi Thánh Phaolô là Tông đồ cuối cùng được Chúa kêu gọi.

Nhưng hành trình tâm linh của các ngài có nhiều điểm tương đồng.

Các Ngài đều trải qua kinh nghiệm tội lỗi. Thánh Phêrô là con người tự tin. Trong nhóm 12, Ngài là người mạnh dạn phát biểu trước mỗi câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra. Ngài tin tưởng vào khả năng, vào đức tin, vào sự trung tín của mình. Ngài mạnh dạn nói với Chúa: “Dù mọi người có bỏ Thầy, con quyết liều mạng vì Thầy”. Để huấn luyện Ngài, Chúa đã để Ngài trải qua nhiều thất bại: suốt đêm đánh cá mà không được gì; đang đi trên mặt nước thì bị chìm xuống; nhưng thất bai ê chề đau đớn nhất là Ngài đã hèn nhát chối Thầy trước mặt một người thị nữ tầm thường. Qua thất bại đó, Ngài mới biết rõ con người thực của mình là yếu hèn. Thất bại đã khiến Ngài thấy mình chẳng là gì, chẳng có gì ngoài một vực thẳm hư vô. Thất bại đã giúp Ngài biết hạ mình khiêm nhường thẳm sâu cho đúng với sự thực của mình.

Thánh Phaolô cũng trải qua một kinh nghiệm tương tự. Ngài rất tự hào, tự tin vào dòng dõi, khả năng, vào đạo đức của mình. Ngài đã nói: “Nếu ai có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi la người Pharisiêu nhiệt thành..., còn sống công chính theo Lề luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Phil 3,4-6). Nhưng trên đường đi Đamát, khi Phaolô bị ngã từ trên lưng ngựa xuống đất thì niềm tự tin tự hào kia cũng biến mất. Bị ngựa hất xuống đất Phaolô chợt nhận ra rằng niềm tự hào của mình chỉ là què quặt. Bị ánh sáng từ trời chiếu loá mắt, Phaolô chợt nhận ra rằng ánh sáng trí thức nơi mình chỉ là bóng tối. Bị ngựa hất xuống đất, Phaolô mới hiểu rằng sức riêng của mình cùng với những phương tiện trần gian chẳng đưa mình đi tới nơi. Bị mù mắt Phaolô mới hiểu rằng không có ánh sáng của Chúa, chẳng có ai nhìn ra chân lý. Ngài chỉ còn một con đường duy nhất là hạ mình xuống đáy vực sâu yếu hèn để nhận biết sự hư vô của mình.

Các Ngài đều có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên chúa. Phêrô được sống bên Chúa Giêsu trong 3 năm trời. Trong 3 năm đó, Ngài đã được Chúa yêu thương, chăm sóc, dậy dỗ. Nhưng cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Chúa chỉ đến với Ngài khi Ngài phạm tội. Sau khi Ngài chối Chúa 3 lần, gà liền gáy, và từ trong dinh Caipha, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn Phêrô (Lc 22,61). Suốt đời Phêrô sẽ không quên được ánh mắt ấy. Ánh mắt đau đớn của một tình yêu bị phản bội. Ánh mắt trách móc sự vô tình. Nhưng ánh mắt cũng mở ra một trời bao dung tha thứ. Ánh mắt ấy cho Phêrô nhận thức được tội lỗi vô cùng nặng nề của mình, nhưng đồng thời cũng bộc lộ cho Ngài tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa. Cảm nghiệm về tình yêu Thiên chúa đã giúp Ngài tin tưởng ăn năn trở về. Cảm nghiệm về tình yêu Thiên chúa đã đưa Ngài tiến một bước rất dài trên hành trình tâm linh. Từ nay Ngài mới thực sự gắn bó với Chúa, sẵn sàng làm mọi sự, kể cả chịu chết vì Danh Thầy Chí thánh.

Còn Thánh Phaolô, tuy Ngài không nói ra, nhưng ta biết chắc Ngài đã được tiếp xúc thân mật với Chúa Kitô phục sinh, được Chúa Kitô trực tiếp dạy dỗ, đã được đưa lên tầng trời thứ 3. Chắc chắn Ngài đã cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Thiên chúa nên Ngài luôn kết hợp mật thiết với Đức Kitô đến độ Ngài không còn sống nữa mà “chính Đức Kitô sống trong Ngài”.

Các Ngài bị nung đốt bởi cùng một ngọn lửa: lửa nhiệt tâm truyền giáo.

Đời các Ngài là một hành trình truyền giáo không mệt mỏi. Các Ngài ra đi, ra đi không ngừng để đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới. Các Ngài dùng mọi dịp, mọi hoàn cảnh để loan báo Chúa Kitô. Bị đe doạ, bị đánh đòn, bị bắt bớ, bị hiểm nguy, các Ngài vẫn kiên trì, hiên ngang, vui tươi rao giảng Lời Chúa. Ngọn lửa ấy thiêu đốt các Ngài mãnh liệt đến độ Thánh Phaolô phải thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Lửa nhiệt tâm truyền giáo đã đưa các Ngài tới điểm tương đồng cuối cùng là dâng hiến chính mạng sống làm chứng cho Đức Kitô.

Hành trình tâm linh của các Ngài cũng là hành trình mà mọi người phải theo nếu muốn tiến bước trên đường thánh đức. Khởi điểm của hành trình là nhận thức mình tội lỗi yếu hèn, cần ăn năn trở về, cần được ơn cứu độ. Nhận thức sự hư vô của mình để bám chặt vào Thiên chúa, phó thác cho Thiên chúa tất cả cuộc đời mình. Nhận thức ấy đưa ta đến khiêm nhường sâu xa. Một toà nhà càng muốn xây cao, nền móng càng phải chìm sâu, Một sự khiêm nhường càng sâu xa càng giúp ta tiến xa trên con đường tìm Chúa và gặp Chúa. Một khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên chúa trong đời mình, ta sẽ bị tình yêu Chúa thiêu đốt. Ngọn lửa yêu mến ấy sẽ thúc bách ta hăng say làm việc tông đồ.

Tạ ơn hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô đã mở cho ta con đường tìm đến tình yêu Chúa và đến với anh em. Xin hai Thánh Tông đồ giúp chúng con biết tiến bước theo các Ngài trên con đường theo Chúa. 

III.TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1. Thánh Phêrô và thánh Phaolô có những gì giống nhau và khác nhau?

2. Hai vị đã lầm lỗi rồi đã trở lại và trở nên những vị lãnh đạo giáo hội. Bạn nghĩ gì về điều này?

3. Cảm nghiệm được tình yêu của Chúa là điều quan trọng nhất đời. Bạn có mong muốn được cảm nghiệm này không?


    Tuần XIII

     (xin bấm vào hàng chữ trên đây để theo dõi các bài chia sẻ PVLC và hạnh thánh trong tuần, nêu cần)

    Chúa Nhật

      Hai Thánh Phêrô và Phaolô: Những thân phận con người sống sứ vụ Tông đồ  

    https://youtube.com/live/JYR6I78t4zU

    LeThanhPheroPhaolo.mp3 

    https://youtu.be/E0SmZAYy9F8

    DTCPhanxico-HuanTuTruyenTin-BaiGiangLeThanhPheroPhaolo2022.mp3

     / https://youtu.be/qercpesb9RA

    DTCPhanxico-HuanTuTruyenTinLeThanhPheroPhaolo.mp3 

    https://youtu.be/q2oPqZOpM-M

     DTCPhanxico-GiangLeThanhPhero-Phaolo.mp3

     / https://youtu.be/Xkbw6OfLd6Y

     

      Trong Tuần

      TN.XIII-2.mp3

      CacThanhTuDaoTienKhoiCuaGiaoDoanRoma.mp3

       / https://youtu.be/Lj9kHTz6HaQ (30/6 - Thứ Hai)

      TN.XIII-3.mp3

      ThuTuXIIITN.mp3

      Thứ Năm 3/7 Lễ Kính Thánh Tôma Tông Đồ

      ThanhTomaTongDo-DTCBDXVI.mp3 (2020) / LeThanhTomaTD.2021.mp3 

      (2021) / https://youtu.be/R2qceVQOp5o 

      TN.XIII-6.mp3

      TN.XIII-7.mp3

       ThanhAntonZacaria.mp3

       / https://youtu.be/SybSU3KuB8Y (5/7 - Thứ Bảy)

      0

      SUY NIỆM CẢM NGHIỆM

      Các ngài được thấy thể hiện điều các ngài đã rao giảng

      Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục.

      Cuộc tử đạo của hai vị Tông Đồ diễm phúc là thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đã làm cho ngày hôm nay trở thành ngày thánh đối với chúng ta. Các thánh chúng ta nói tới hôm nay không phải là những vị tử đạo vô danh nào đó. Thật ra, tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Một khi các ngài đã đi theo đường công chính vì tuyên xưng và chết cho chân lý, thì giờ đây các vị tử đạo này được thấy thể hiện điều các ngài đã rao giảng.

      Thánh Phê-rô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Ki-tô, đã xứng đáng nghe lời này : Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô. Quả vậy, vì trước đó chính ông Phê-rô đã nói : Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, nên Đức Ki-tô đáp lại : Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây dựng đức tin mà anh tuyên xưng. Đối lại điều anh vừa nói : Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Tên anh quả là Phê-rô. Phê-rô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng đá lấy từ Phê-rô. Ki-tô hữu lấy từ danh Ki-tô thế nào, thì Phê-rô cũng lấy từ “tảng đá” như vậy.

      Như anh em đã biết, trước khi chịu thương khó, Chúa Giê-su đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phê-rô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói : Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này. Do đó, địa vị nổi bật của Phê-rô được đề cao, vì chính ông tiêu biểu cho đặc tính phổ quát và duy nhất của Hội Thánh, khi Chúa nói với ông : Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá mà Thầy đã trao cho tất cả. Vì chưng, để anh em biết Hội Thánh đã lãnh nhận chìa khoá Nước Trời thế nào, thì hãy nghe điều Chúa nói với tất cả các Tông Đồ ở một đoạn khác : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Rồi Người tiếp : Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.

      Sau khi phục sinh, Chúa cũng đã trao đoàn chiên của Người cho chính ông Phê-rô chăn dắt. Trong số các môn đệ, không phải chỉ mình ông xứng đáng chăn dắt đoàn chiên của Chúa ; nhưng khi Chúa nói với một người, là Chúa dạy phải giữ sự duy nhất ; dạy ông Phê-rô trước tiên, vì ông là người thứ nhất trong các môn đệ. Thưa thánh Phê-rô, xin ngài đừng buồn ; xin hãy đáp lời Chúa một lần, đáp lần thứ hai nữa, rồi lần thứ ba. Ước chi lời tuyên xưng vì yêu mến thắng thế ba lần, bù lại lòng quá tự tin đã thất bại ba lần vì sợ hãi. Ngài đã ba lần cột trói, thì cũng phải ba lần tháo cởi. Ngài đã cột trói vì sợ hãi, thì hãy tháo cởi vì yêu mến. Thế mà Chúa vẫn trao đoàn chiên của Người cho ông Phê-rô một lần, hai lần, rồi đến ba lần.

      Một ngày kính chung cuộc tử đạo của hai vị Tông Đồ. Nhưng hai vị xưa kia chỉ là một ; dù các ngài chịu tử hình những ngày khác nhau, các ngài cũng chỉ là một. Thánh Phê-rô đi trước, rồi thánh Phao-lô theo sau. Đối với chúng ta, ngày lễ chúng ta cử hành hôm nay là một ngày thánh, vì đã được ghi bằng máu của các Tông Đồ. Chúng ta hãy quý chuộng đức tin, đời sống, công lao khó nhọc và những khổ hình của các ngài, quý chuộng những lời các ngài tuyên xưng, những điều các ngài rao giảng.